Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Mạnh tay chặn “loạn” giấy báo trúng tuyển




Ngày 26/1, Bộ GD-ĐT họp ban chỉ đạo để chuẩn bị hội nghị thi và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Về cơ bản tuyển sinh 2011 vẫn giữ như những năm trước nhưng Bộ sẽ có biện pháp mạnh tay khắc phục tình trạng “loạn” giấy báo trúng tuyển như đã xảy ra trong năm trước.

 
Kỷ luật đơn vị gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ xét tuyển vào trường
Để khắc phục những hạn chế trong mùa tuyển sinh trước, Bộ GD-ĐT vừa công bố một số thay đổi mới nhất, dự kiến sẽ chính thức ban hành sau hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Trong những nội dung thay đổi đó, có nội dung triệu tập thí sinh trúng tuyển đến trường. Cụ thể, chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển do ban thư ký trình và ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong giấy triệu tập cần ghi rõ  kết quả thi của thí sinh và những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học
Để tránh tình trạng “loạn” giấy báo trúng tuyển, một thí sinh nhận được 15 - 20 giấy báo trúng tuyển như báo chí đã thông tin trong các mùa tuyển sinh 2010. Bộ yêu cầu, năm nay, các trường ĐH, CĐ không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Siết chặt hơn nữa vấn đề này, Bộ có thêm quy định hình thức kỷ luật cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế là: Cảnh cáo đối với những người gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường hoặc thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Tuyển sinh 2011, Bộ tăng cường siết chặt kỷ luật thi cử, bất cứ cán bộ nào vi phạm cũng sẽ chịu kỷ luật nghiêm khắc”.
 
Theo Quy chế tuyển sinh, cán bộ tham gia kỳ thi có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển công tác (nếu là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước), buộc thôi học (nếu là sinh viên đi coi thi) khi mắc phải các lỗi như: ra đề thi sai; giải bài rồi hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh làm được giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh. Trường hợp cán bộ làm lộ, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh... sẽ bị buộc thôi việc hoặc xử lý theo pháp luật.
Nhiều trường sẽ không được phê duyệt mở ngành mới
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT và từ một số lãnh đạo trường đại học đăng ký xin mở ngành mới năm 2011, Bộ đã xem xét việc mở ngành của các trường đăng ký. Tuy nhiên, nhiều trường đã không được phê duyệt vì chưa đủ điều kiện để mở ngành học mới, trong đó có  nhiều trường đại học công lập. 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm 2011,  Bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường theo năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện 3 công khai. Bộ chỉ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện.
Bên cạnh đó, Bộ tăng thêm chỉ tiêu cho đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ với những ngành, những khu công nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực. Bộ yêu cầu, các đại học lớn, giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học.
Về đề thi, năm nay, Bộ vẫn tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường. Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT; các môn năng khiếu thi theo đề riêng của trường. Hiệu trưởng các trường tuyển sinh ngành năng khiếu chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Những trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Các trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào hệ này mà sử dụng kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển của trường để xét tuyển. 


Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Năm 2011: Tăng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ lên 548.000


Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010; tuyển mới TCCN năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2010 là 514.500 sinh viên. Như vậy, với mức tăng 6,5%, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2011 sẽ khoảng 548.000 sinh viên, tăng thêm gần 33.500 so với năm 2010.
 
Uu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên
 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Các trường chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở thực hiện năm 2010, năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện 3 công khai. Bộ sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện.
Chỉ tiêu tăng thêm dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên những bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đào tạo cán bộ nông lâm ngư, theo hợp đồng của địa phương và doanh nghiệp.
Lãnh đạo bộ cho biết, chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ nằm trong tổng chỉ tiêu chính quy của các trường. Các đại học lớn, giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học.
Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, bằng hai được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính chỉ tiêu có thể được tăng hơn.
 
 Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH,CĐ chính quy năm 2011 tăng 6,5% so với năm 2010
 
Chỉ tiêu ĐH,CĐ chính quy năm 2011 của những trường trường trực thuộc Bộ: 150.000 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu đại học là 132.000, chỉ tiêu cao đẳng 18.000.
Trong tổng 132.000 chỉ tiêu đại học chính quy, dự kiến dành 13.200 chỉ tiêu (10%) đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trung cấp chuyên nghiệp 19.000 chỉ tiêu, chủ yếu đào tạo sư phạm mẫu giáo, đào tạo trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, trung cấp luật và trung cấp nông lâm nghiệp.
Chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, bằng hai khoảng 100.000 chỉ tiêu.
Dự bị đại học, cao đẳng 4.150 chỉ tiêu (tăng 10% so với năm 2010) để phân bổ cho 5 trường dự bị trung ương và 3 khoa dự bị ở 3 trường ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên và ĐH Cần Thơ.
Đào tạo phổ thông dân tộc nội trú 900 chỉ tiêu cho 3 trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Hữu Nghị T80 và Hữu Nghị T78.
Đào tạo học sinh phổ thông năng khiếu 1.100 chỉ tiêu cho 4 trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH VInh, ĐH Huế và ĐH Sư phạm TP.HCM.
Đối với đào tạo sau đại học, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng, dự kiến tuyển mới đào tạo tiến sĩ 1.050 chỉ tiêu, đào tạo thạc sĩ 22.000 chỉ tiêu, tăng 20% so với năm 2010. Đào tạo chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sĩ nội trú khoảng 1.250 chỉ tiêu tăng 10% so với năm 2010. Đào tạo từ xa tăng 10% là  74.000 chỉ tiêu so với năm 2010.
 
Năm 2010 không tuyển đủ chỉ tiêu
 
Được biết, tuyển sinh 2010, về đại học chính quy, Bộ giao cho các trường là 123.750 chỉ tiêu, đã tuyển được 118.035 chỉ tiêu đạt 95,8%. Hệ Cao đẳng Bộ giao 14.550 chỉ tiêu, tuyển được 16.035 chỉ tiêu đạt 110,2%. Như vậy, cả hệ đại học, cao đẳng chính quy thuộc các trường trực thuộc Bộ đã tuyển 134.605/138.300 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 97,3%. TCCN, Bộ giao cho các trường là 17.100 chỉ tiêu, theo báo cáo của các trường mới thực hiện được 7.041 chỉ tiêu. Hiện nay, các trường đang tiếp tục tuyển sinh.
 
Với kết quả tuyển sinh trên, quy mô hệ đại học chính quy ĐH,CĐ,TCCN của các trường trực thuộc Bộ hiện nay là: Đại học: 460.148 sinh viên. Trong đó, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ  chiếm tỷ lệ cao nhất là 32,78%; tiếp theo là nhóm ngành kinh tế chiếm 27,72%; sư phạm 17,68%; nông lâm như 8,67%; xã hội nhân văn 7,15%; khoa học tự nhiên 2,72%; nhóm ngành y 2,02% và nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao 1,26%.
 
Quy mô đào tạo TCCN trong các trường trực thuộc bộ, tính đến thời điểm này là 27,347 học sinh, trong đó nhóm ngành kinh tế 9.390 hs (34,34%); kỹ thuật công nghệ 8.471 hs (30,98%), sư phạm 7.313 hs (26,74%); y dược 1.443 hs (5,28%); nông lâm ngư 670 ( 2,45%). 
 

Nhiều ĐH tiếp tục xin mở thêm ngành học mới


Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, phương thức tuyển sinh năm 2011 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm trước. Bộ dự kiến tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ lên khoảng 6,5%. Do đó, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đầu năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trở lại việc mở ngành đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng. Do vậy nhiều trường tiếp tục xin mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học nếu Bộ GD-ĐT đồng ý.
Cụ thể, ĐH Hàng Hải dự kiến sẽ ở thêm ngành Toàn cầu hóa và Thương mại vận tải; ĐH Giao thông vận tải TPHCM dự kiến mở ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi; ĐH Nguyễn Trãi dự kiến mở ngành Kỹ thuật công trình xây dựng và Kỹ thuật môi trường.
Học viện Báo chí & Tuyên truyền mở thêm 2 chuyên ngành Chính sách công và Công tác xã hội; ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến mở ngành sư phạm tiếng Nhật; ĐH Tài chính Marketing mở chuyên ngành Thuế nằm trong ngành Tài chính ngân hàng; ĐH Văn hóa TPHCM mở chuyên ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa và Nghệ thuật dẫn chương trình; ĐH Hùng Vương TPHCM mở ngành Công nghệ thực phẩm.
ĐH Hà Tĩnh mở thêm 3 ngành: Tài chính ngân hàng, Marketing, Việt Nam học; ĐH Hùng Vương - Phú Thọ mở ngành Sư phạm hoá; ĐH Hùng Vương TPHCM mở ngành Công nghệ thực phẩm; CĐ Công nghiệp Quảng Ninh dự định mở thêm tới 5 ngành học: Công nghệ kỹ thuật cơ điện, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật trắc địa bản đồ…
Không mở thêm ngành học mới nhưng nhiều trường đại học “tốp trên”dự kiến tăng chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách để đáp ứng nhu cầu xã hội như ĐH Y Hà Nội, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Nguồn : http://vietyen1.com/giaoduc/vi/news/Tin-giao-duc/Nhieu-DH-tiep-tuc-xin-mo-them-nganh-hoc-moi-150/

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Bắc Giang tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch

            Là địa phương có khá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên trong những năm qua Bắc Giang vẫn chưa khai thác được những lợi thế vốn có để đưa ngành du lịch phát triển. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn nhân lực của địa phương vừa thiếu, vừa yếu lại thường xuyên biến động. Để đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế vào năm 2015 hiện nay tỉnh Bắc Giang đang tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển du lịch.
Lớp tập huấn Thuyết minh viên đi thực tế tại Đền Từ Hả
 
             Tốt nghiệp đại học văn hóa về công tác tại quê hương, Nguyễn Thu Phương được phân công theo dõi công tác du lịch trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Mặc dù đã có gắng học hỏi và tìm hiểu các văn bản hướng dẫn song để tham mưu và giúp quản lý tốt các hoạt động du lịch trên địa bàn đối với chị vẫn là một việc làm còn nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm và tuổi đời còn ít, lại chưa được đào tạo chuyên ngành nên đơn thuần nhiều nghiệp vụ cơ bản về du lịch chị vẫn chưa có sự hiểu biết tường tận. Chính vì thế khi sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch và lớp nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch Phương cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã tích cực tham gia và cho rằng đây là hoạt động nghiệp vụ rất bổ ích giúp những người làm công tác du lịch có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
          Theo thống kê, hiện tỉnh Bắc Giang có hơn 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó số người lao động trực tiếp là hơn 900 người. Số lao động này chủ yếu chưa qua đào tạo và thường chỉ lao động theo mùa vụ. Nguồn nhân lực làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chỉ có 30 người, tuy hầu hết đều có trình độ đại học nhưng lại không được đào tạo chuyên ngành du lịch, cán bộ ở cấp huyện lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc do đó công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai và quản lý về du lịch chưa được trú trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của ngành kinh tế du lịch thời gian qua. Để đồng thời thực hiện chủ trương phát triển du lịch của tỉnh ủy và đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện nay UBND tỉnh Bắc Giang đang tích cực chỉ đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch Ngay trong những tháng cuối năm 2010, đã có 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch và lớp nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch được tổ chức thu hút hơn 100 đối tượng là các cán bộ quản lý nhà nước ở cấp huyện, các thuyết minh viên tại những điểm du lịch, đại diện các đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn. Những lớp học lần đầu tiên được tổ chức trong những năm qua đã vô cùng có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, tạo tính chuyên nghiệp cho cả cán bộ quản lý và những người tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Hoạt động trên cũng góp phần nhằm từng bước đưa hoạt động du lịch trên địa bàn đi vào nề nếp.
 
Cảnh đẹp Hồ Khuôn Thần
 
Với mục tiêu phấn đấu vào năm 2015 du lịch Bắc Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh và đạt mức doanh thu 262 tỷ đồng, Bắc Giang xác định đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện ngay. Và để đạt mục tiêu có 85% lao động trong ngành được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ du lịch vào năm 2015, Bắc Giang đang có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm tại các đơn vị kinh doanh du lịch; nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức, cách làm du lịch cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch; đội ngũ thuyết minh viên du lịch phục vụ tại các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa; Đầu tư dự án xây mới trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh, mở rộng và phát triển đào tạo và bồi dưỡng nhân lực du lịch; đầu tư thỏa đáng và giao cho trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch của tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh và người dân làm du lịch; Có kế hoạch thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng được đào tạo chuyên ngành, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát huy tính chủ động sáng tạo, phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ phục vụ chủ trương phát triển du lịch của địa phương./.
 

Công tác Xúc tiến quảng bá du lịch Bắc Giang năm 2010


Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động; tạo ra cảnh quan thiên nhiên đẹp. Ở một số nước phát triển từ lâu đã coi ngành du lịch là Ngành công nghiệp không khói, lợi nhuận của du lịch được ví như “ Con gà đẻ trứng vàng”. 
Bắc Giang là một tỉnh miền núi, có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế xã hội, Bắc Giang có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa với hơn 2000 di tích trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh và hơn 500 lễ hội lớn nhỏ khác nhau; hàng trục  các khu, điểm du lịch du lịch sinh thái có tính chất đặc trưng như Hồ Khuôn Thần; Hồ Cấm Sơn; Suối Nước Vàng, Suối Mỡ… Bắc Giang còn là mảnh đất của các liền anh liền chị quan họ; ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra Bắc Giang còn có các làng nghề truyền thống đã có từ bao đời nay như làng nghề Mây Tre Đan Tăng Tiến; Làng nghề Bánh Đa kế; Làng nghề Mỳ Chũ (Nam Dương); Làng nghề Bún Đa Mai… Đây là những tiềm năng để Bắc Giang khai thác phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

          Để phát triển du lịch thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp  thông tin cho các sản phẩm du lịch phải thường xuyên được triển khai thực hiện, gắn với các nội dung hoạt động tuyên truyền, quảng bá kêu gọi đầu tư nhằm tác động đến du khách và các nhà kinh doanh du lịch. Do vậy hoạt thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch có vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Bắc Giang nói riêng. Hiện nay công tác thông tin quảng bá du lịch Bắc Giang đã ngày càng được quan tâm chú trọng. Hơn nữa tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII đã đưa lĩnh vực du lịch là một trong 5 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Bà Hoàng Thị Hoa-GĐ, SVHTTDL phát biểu trong Hội thảoBà Hoàng Thị Hoa-GĐ, SVHTTDL phát biểu trong Hội thảo
          Qua một năm hoạt động, cùng với sự nỗ lực của Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm bước đầu đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ chuyên môn với những hoạt động tiêu biểu như: Tham mưu với SVHTTDL phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Du lịch Bắc Giang - Tiềm năng và định hướng phát triển, Hội thảo đã được các đại biểu đánh giá cao tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch Bắc Giang trong thời gian tới. Đồng thời tham mưu với Sở tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng Kiến thức  Thuyết minh viên Du lịch, đây là lớp tập huấn Thuyết minh viên đầu tiên được tổ chức trên địa bàn nhằm đào tạo các cán bộ đang làm nhiệm vụ Thuyết minh tại các điểm khu, điểm du lịch nâng cao kỹ năng hướng dẫn phục vụ cho du khách trong và ngoài nước. Thường xuyên biên tập, đăng tải thông tin trên trang Web du lịch Bắc Giang đảm bảo được tính thông tin, thời sự nội dung đa dạng phong phú; Tuyên truyền quảng bá du lịch Bắc Giang qua tờ rơi, tờ gấp du lịch để qua đó giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm đặc trưng của du lịch Bắc Giang; Xây dựng Pano quảng bá du lịch với chủ đề giới thiệu Du lịch Sinh thái Bắc Giang; du lịch văn hoá Bắc Giang và các hoạt động tiêu biểu của ngành Văn hoá Thể thao trong thời gian qua. Sửa chữa và nâng cấp biển quảng cáo tấm lớn tại trục quốc lộ 1A; Làm biển quảng cáo chỉ dẫn tới chùa Vĩnh Nghiêm; Phối hợp với Đài truyền hình VTV2 làm phim tư liệu quảng bá hình các khu, điểm du lịch nổi trội trên địa bàn các huyện  như: Chùa Vĩnh Nghiêm( Yên Dũng); Khu du lịch sinh thái Hồ khuôn Thần; Hồ Cấm Sơn; hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử...Bên cạnh đó Trung tâm cũng tích cực tham gia các Hội thảo, Hội chợ du lịch trên địa bàn các tỉnh bạn..
Một góc gian hàng của Trung tâm trưng bầy tại Hội chợMột góc gian hàng của Trung tâm trưng bầy tại Hội chợ
        Hỗ trợ cho các làng nghề có các mặt hàng thủ công truyền thống và các đặc sản của địa phương tham gia vào Hội chợ Du lịch trên địa bàn tỉnh bạn để trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách như: HTX Rượu Làng Vân; HTX Nuôi Ong Nghĩa Hồ; làng nghề Bánh đa kế; HTX Mây Tre Đan Tăng Tiến; Vải thiều Lục Ngạn; Mỳ Nam Dương…  Nhìn chung các mặt hàng và đặc sản của Bắc Giang đã được đông đảo du khách quan tâm và tin dùng.…Hướng dẫn hỗ trợ các đoàn đi khảo sát, tham quan thực tế tìm hiểu về du lịch Bắc Giang như: đoàn Trường  Kinh tế Quốc dân; đoàn làm phim tư liệu du lịch của đài truyền hình Việt Nam VTV2 ...
        Công tác phối hợp tuyên truyền quảng bá cũng được Trung tâm quan tâm như phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch-Tổng cục Du lịch đăng bài quảng bá du lịch Bắc Giang trên trang vàng du lịch Việt Nam; Phối kết hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tham gia giới thiệu quảng bá du lịch Bắc Giang qua  Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần VII taị Phú Thọ; Phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Du lịch tham gia kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh và tham gia Hội chợ...
         Trong tương lai không xa để  lĩnh vực du lịch Bắc Giang phát triển tương sứng với những tiềm năng vốn có của mình thì Bắc Giang đang rất cần đến sự quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các khu vui chơi giải trí đối với  các khu, điểm du lịch sinh thái có tính chất đặc trưng của Bắc Giang như: Hồ Cấm Sơn; Hồ Khuôn Thần; Rừng nguyên sinh Khe Rỗ; Suối Mỡ; Suối Nước Vàng...Nếu công  tác đầu tư cho du lịch Bắc Giang được mở rộng phát triển hơn thì hoạt động thông tin xúc tiến quảng bá du lịch sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất.  


dien dan giao duc, giao duc bac giang
http://vietyen1.comhttp://vietyen1.com

Giới thiệu Bắc Giang

Bắc Giang là tỉnh ở miền trung du và giáp với châu thổ đồng bằng Bắc bộ. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây và tây bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Địa hình gồm có đồng bằng, trung du, miền núi.
Khí hậu: chia làm 2 mùa: mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3; mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình năm 24ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bắc Giang là một vùng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử như rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ, khu di tích Suối Mỡ, di tích thành Xương Giang... Nhiều hồ chứa nước lớn tạo nên phong cảnh kỳ vĩ, phát triển được tiềm năng du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần.
Bắc Giang là một tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá của đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân của các dân tộc ít người.
Giao thông
Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều tương đối thuận tiện.
Đường sắt: Từ Bắc Giang có thể về thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn, sang Thái Nguyên và vùng công nghiệp mỏ Quảng Ninh.
Đường bộ: Thành phố Bắc Giang cách trung tâm Hà Nội 51km. Hệ thống đường bộ thuận lợi có quốc lộ 1A chạy qua. Nhiều tuyến tỉnh lộ và huyện lỵ.
Đường thuỷ: Tỉnh Bắc Giang có nhiều sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy qua tỉnh, thuận tiện cho vận tải đường sông, góp phần tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, du lịch.